ĐOÀN CẢI LƯƠNG VĂN CÔNG TPHCM BIỂU DIỄN
1975, Sài Gòn vừa giải phóng, không khí chính trị còn "nóng hổi", đã có ngay một vở cải lương gây xôn xao sân khấu. Vé chợ đen bán ào ào, ai biết đâu phía sau cánh gà nghệ sĩ... lo gần chết ! Đó là vở Khách sạn hào hoa của đoàn Sài Gòn 2 (tác giả Trần Hà, đạo diễn Huỳnh Nga). Hấp dẫn như phim trinh thám, và quyến rũ ở chính gương mặt lạnh như tiền của cô cave xinh đẹp - Mỹ Châu.
Sở dĩ nói nghệ sĩ "lo gần chết" là vì lúc ấy tình hình chính trị còn quá nóng, tuy chính quyền đã vào tay cách mạng nhưng vẫn còn những khoảng cách nào đó trong một số thành phần dân chúng, làm sao gần gũi ngay được. Vì vậy, liệu vở diễn có gây những "phản ứng" nào không, khi trong đó chứa đựng câu chuyện đấu tranh quyết liệt, rồi đặt bom này nọ... Lo lắm chứ! Nhưng phải khai trương thôi.
Ai ngờ, vở diễn cuốn hút tới nỗi khán giả thành phần nào cũng xích lại gần nhau, cùng chụm đầu coi say mê, quên mất khoảng cách. Có lẽ đây là vở cải lương đầu tiên mang màu sắc... trinh thám, nên khán giả mới hồi hộp dữ vậy! Tình tiết cài đặt rất khéo léo. Cô cán bộ tên Hiếu được cách mạng giao nhiệm vụ đóng vai một cave trong khách sạn để trà trộn lấy tin tức từ bọn sĩ quan Mỹ, từ đó tổ chức những trận đánh vào cơ quan đầu não giặc. Hiếu phải đối đầu với rất nhiều nguy hiểm, vì chung quanh toàn là mật thám, nhân viên CIA, sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn, nghĩa là toàn những con sói tinh nhạy trên chiến trường, chỉ cần sơ sẩy để lộ tông tích là Hiếu sẽ chết. Đặc biệt, tình tiết đem khối bom lên khách sạn để nó nổ tung diệt giặc, Hiếu như đứng trước sợi dây leo mỏng manh chực chờ rơi xuống. Cô phải thông minh và bản lĩnh qua mắt được tay sĩ quan gác cổng lão luyện, kèm theo một chút kỹ xảo của phụ nữ, thế là hoàn thành nhiệm vụ. Hiếu trở về với con người thật của mình, trút bỏ cái lốt cave đau khổ mà cô chịu đựng bấy lâu.
Nghệ sĩ Mỹ Châu trong vai Hiếu thật phù hợp vì gương mặt lạnh lùng, trầm tĩnh, đủ sức làm bọn đàn ông trong khách sạn ấy mê mẩn, bởi cô quá khác biệt giữa đám phụ nữ lau chau mê tiền, mê địa vị. Nhưng cũng không để Hiếu quá "khác biệt" vì như thế sẽ gây nghi ngờ, lộ diện. Mỹ Châu phải cho Hiếu một vẻ vừa gần gũi vừa xa cách, vừa chân phương vừa sang trọng khiến đám sĩ quan mê mà nể, nể mà vẫn tiếp cận được. Khó diễn lắm! Nhất là tuy phong cách gái bán bar nhưng bên trong vẫn là người cách mạng, thì phải giữ phẩm chất. Cho nên Mỹ Châu chọn lựa trang phục rất kỹ, sao cho hấp dẫn nhưng không quá sexy, hoặc ngôn ngữ nói năng tuy sành sỏi nhưng cũng không quá thô thiển. Và tâm trạng cô Hiếu lúc nào cũng căng như dây đàn, nghe ngóng động tĩnh, nghĩ cách đối phó. Mỹ Châu cười: "Lúc ấy tôi chưa hiểu gì về người cách mạng cả, nhưng qua vai này tôi thấy thương anh em, hiểu cái khổ của người vào chiến trận dù không tiếng súng nhưng ác liệt vô cùng".
Chưa hết, cái khổ của "người nằm vùng" còn là sự cô đơn khi chung quanh không ai hiểu mình. Cô Hiếu bị bà mẹ mắng mỏ, bị người yêu là Trung, một chiến sĩ cách mạng, tạt ly rượu vào mặt, khinh thường, và còn có người chửi thẳng cô là "con đĩ". Có lúc Hiếu mềm yếu như một người phụ nữ bình thường, cô thèm khóc, muốn bỏ cuộc mà quay về với đồng đội trong chiến khu, thà chết trong sự minh bạch hơn sống trong nỗi oan khiên. Tâm lý nhân vật đa chiều như thế mới thật "con người", chứ đâu phải thể hiện người cách mạng chỉ có một chiều cứng rắn, kiên cường. Mỹ Châu thoắt lạnh lùng đó, chợt biến thành cô Hiếu mong manh, tội nghiệp. Vai diễn bản lĩnh nhưng không "lên gân", mà tinh tế và xúc động.
Một sự kiện thú vị nảy sinh từ đây. Mỹ Châu đã sáng tạo ra một lối ca vọng cổ với hai chữ cuối toàn dấu huyền, độc đáo, và không xài "dây đào" mà phải xuống tông xài "dây kép". Đạo diễn Huỳnh Nga nghe lạ quá, vì nó đúng tâm trạng buồn thương của nhân vật, ông liền hối hả: "Nè, nè, giữ nguyên giọng đó!". Thế là nhạc sĩ Hoàng Thành phải sử dụng một tuyệt chiêu, lấy thanh gỗ nhỏ xíu chặn dây đàn để cho ra một cung bậc riêng biệt chưa từng có trong cổ nhạc, mà anh em tạm đặt tên là "dây Mỹ Châu". Tên gọi đó sau này phổ biến trong làng nhạc, nhưng có lẽ chỉ Mỹ Châu mới ca được, vì không ai giọng trầm cỡ như chị.
Sau này Mỹ Châu còn rất nhiều vai hay trong Nàng Hai Bến Nghé, Ánh lửa rừng khuya, Tâm sự Ngọc Hân, Muôn dặm vì chồng..., thể hiện một nghệ sĩ nghiêm túc trong nghề.
Hoàng Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét